Người lãnh đạo cần những tố chất gì? Tầm nhìn? Tài thuyết phục? Khả năng quyết định dứt khoát? Đối nhân xử thế hợp lý? Giải quyết vấn đề thấu đáo? Dũng khí đối đầu với khó khăn?… Để trở thành nhà lãnh đạo giỏi, cần tổng hòa tất cả các yếu tố đó.
Nội dung dưới đây được trích lược từ cuốn Thuật lãnh đạo – 1 trong 4 tập của bộ Tứ thư lãnh đạo do tác giả Hòa Nhân biên soạn. Đây là những tố chất cơ bản nhất sẽ “sản sinh” ra các yếu tố tạo nên một người lãnh đạo giỏi như nhắc đến ở trên.
✪ Tự tin
Sức mạnh lớn nhất xuất phát từ chính chúng ta, kẻ thù lớn nhất của chúng ta cũng chính là chúng ta. Làm lãnh đạo, chúng ta phải nghiêm khắc với chính mình, có như vậy chúng ta mới tự tin đón nhận thử thách đồng thời trở thành tấm gương cho cấp dưới.
Nếu bạn nghĩ rằng: “Tôi làm việc gì cũng thất bại. Tôi là một người vô dụng” thì chắc chắn bạn sẽ không thể thành công khi làm bất cứ việc gì.
Trong cuộc đời, mỗi con người đều trải qua không ít lần thất bại, và cũng có nhiều lúc thành công. Nếu lúc nào chúng ta cũng chỉ nghĩ đến thất bại, chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua được nó. Kẻ thù lớn nhất mãi mãi là chính chúng ta.
Vận may và vận đen một nửa là do ngẫu nhiên, một nửa còn lại là do con người. Sau khi tiến hành điều tra đối với một người có vận may trên thương trường, người ta đã phát hiện ra rằng người đó thuộc kiểu người không bảo thủ, biết thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh.
Vậy thì chúng ta có thể thấy rằng, kẻ thù lớn nhất chính là sự bảo thủ và tư tưởng luôn nghĩ đến thất bại của chúng ta.
Cách nhanh nhất, chính xác nhất để chinh phục nỗi sợ hãi, khống chế sự tự ti, tạo ra sự tự tin chính là làm những việc mà mình thấy sợ, cho đến khi chúng ta có được kinh nghiệm để thành công.
Ánh mắt có thể tiết lộ cho chúng ta nhiều thông tin. Việc không nhìn thẳng vào người khác thường có nghĩa là: tôi thấy tự ti bên cạnh bạn; tôi thấy không bằng bạn; tôi sợ bạn. Khi nhìn thẳng vào người khác có nghĩa là bạn đang nói với người đó: Tôi rất chân thành và ngay thẳng. Tôi tin rằng, những gì mà tôi nói với bạn đều là sự thật.
Bạn hãy để đôi mắt làm việc cho bạn, tức là hãy tập trung vào người khác. Làm như vậy không những bạn sẽ thấy tự tin mà bạn còn có thể giành được sự tín nhiệm của họ.
Có rất nhiều người có tư duy nhạy bén, tư chất thông minh, nhưng lại không thể phát huy sở trường của mình để tham gia thảo luận với người khác. Không phải là họ không muốn tham gia, mà là do họ thiếu tự tin.
Xét từ góc độ tích cực, nếu tận dụng cơ hội để nói ra ý kiến của mình, chúng ta sẽ tăng thêm sự tự tin, và lần sau chúng ta sẽ càng dễ phát biểu ý kiến. Vì vậy, hãy phát biểu ý kiến thật nhiều, đó chính là “vitamin” của sự tự tin.
Trên thực tế, cười là liều thuốc quý để điều trị bệnh thiếu tự tin. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người không tin vào điều đó. Bởi vì khi sợ hãi, họ chưa bao giờ thử cười. Nụ cười có thể làm giảm đi tâm trạng u uất, có thể hoá giải tình thế căng thẳng giữa hai bên. Nếu bạn nở một nụ cười chân thành với một người nào đó, người đó sẽ không thể giận bạn được.
Sức mạnh của quân đội quá nửa là do họ có lòng tin vào vị chủ soái của mình. Nếu chủ soái tỏ ra sợ hãi, lo lắng, thì binh lính sẽ hỗn loạn, hoang mang. Sự tự tin của chủ soái sẽ làm tăng thêm dũng khí cho binh lính.
Thành tích của bạn lớn hay nhỏ phụ thuôc vào độ tự tin của bạn. Nếu bạn hoài nghi về khả năng của bản thân, thì trong suốt cuộc đời mình, bạn sẽ không thể làm nên việc lớn.
Cho dù bạn là người tài giỏi đến đâu, khả năng của bạn thế nào, trình độ của bạn cao đến đâu, thành tích của bạn sẽ luôn phụ thuộc vào sự tự tin của bạn.
Có rất nhiều người luôn cho rằng hạnh phúc trên đời này là thuộc về người khác, họ không xứng đáng với nó, họ không thể ngang hàng với những người may mắn đó. Họ không hiểu rằng, sự tự ti đó, sự tự loại bỏ mình đó sẽ làm giảm đi sức sống của họ, giảm đi cơ hội thành công của họ.
Sự tự tin có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với tiền bạc, thế lực, gia thế, bạn bè. Đó là vốn quý nhất của con người. Tự tin có thể giúp chúng ta khắc phục khó khăn, loại bỏ trở ngại để đạt đến thành công.
Nếu chúng ta phân tích, đánh giá những thành quả vĩ đại mà những người “tự tạo ra cơ hội” có được, chúng ta sẽ thấy rằng, ngay từ lúc bắt đầu, họ đã có một niềm tin vững chắc vào bản thân mình. Ý chí của họ kiên định đến mức có thể đạp bằng mọi sự hoài nghi và sợ hãi vốn rất dễ dàng khiến những người tự đánh giá thấp mình bỏ cuộc, để tiến về phía trước.
Không gì thần kỳ hơn uy lực của niềm tin. Đầu tiên chúng ta tin rằng “Tôi chắc chắn làm được”, sau đó chúng ta sẽ có được những điều kiện cần như năng lực, kỹ năng và sức lực. Mỗi khi bạn tin rằng “Tôi có thể làm được”, bạn sẽ biết phải làm như thế nào.
Mong muốn thành công chính là khởi nguồn cho sự sáng tạo và giàu có. Khi đã có mong muốn đó, con người ta sẽ có niềm tin. Niềm tin ấy lại được chuyển hoá thành “tình cảm tích cực”. Nó có thể khơi gợi tiềm ý thức của chúng ta và mang lại cho chúng ta nhiệt huyết, sức lực và trí tuệ, để từ đó giúp chúng ta thành công.
Niềm tin chính là “kỹ sư tâm hồn”. Trong cuộc sống, nếu kết hợp niềm tin và suy nghĩ, con người sẽ có được trí tuệ và sức mạnh vô biên để biến ước muốn thành vật chất, tiền bạc, sự nghiệp.
Nếu muốn tạo ra sự tự tin, bạn phải loại bỏ hoàn toàn sự tự ti.
Để giúp loại bỏ sự tự ti, bạn có thể viết ra những đam mê, sở thích, tài năng, sở trường của mình. Khi viết ra, bạn sẽ biết mình có thể làm những gì, sau đó so sánh với bạn bè và cả những người khác, bạn sẽ biết trình độ năng lực của mình đến đâu.
Thế giới muôn màu muôn vẻ, cuộc sống đầy rẫy những thử thách. Bạn muốn ngồi nhà làm một kẻ nhát gan hay đi ra ngoài để thử sức mình?
Tất cả những tư tưởng tiêu cực, nếu hằn sâu trong ký ức lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ là mối đe doạ với sự tự tin và là vấn đề tâm lý của bạn.
Trở ngại tâm lý dù lớn đến đâu, chúng ta đều có phương pháp chữa trị. Đó là ngừng suy nghĩ những điều tiêu cực, nhớ lại những sự việc tốt đẹp.
Để tạo nên một con người mới thì bạn phải loại bỏ những tư tưởng không vui ra khỏi đầu. Khi nhớ về những sự việc đã qua, bạn hãy nghĩ về những mặt tốt và quên đi những chuyện không vui.
Trong cuộc đời của mỗi con người chắc hẳn phải có những việc quan trọng làm cho bản thân thấy phấn chấn. Nếu bạn luôn hướng về những việc đó, tự khắc những việc không vui sẽ dần bị xoá khỏi ký ức của bạn.
Hãy để cho mình có được cảm giác là mọi chuyện rất tốt đẹp. Khi đó, bạn thấy mình biết làm gì thì hãy làm việc đó. Nếu bạn cho rằng mình rất có giá trị và đưa tư tưởng đó vào trong hành động, bạn sẽ càng tự tin hơn.
Con người có hàng nghìn lý do để tự ti, và cũng có hàng nghìn lý do để tự tin. Con vịt xấu xí có thể trở thành thiên nga xinh đẹp là do nó tự tin đứng thẳng, tự hào giang rộng đôi cánh.
Hãy để sự tự ti biến mất khỏi cuộc sống của bạn, bạn sẽ có đủ tự tin để làm tốt một vài việc nào đó, đó chính là bước đệm để bạn làm những việc lớn hơn.
✪ Kiềm chế
Khả năng tự kiềm chế là phẩm chất, cũng là thước đo để đánh giá bản lĩnh của một người lãnh đạo. Khả năng tự kiềm chế bản thân bao gồm những mặt sau:
Bình tĩnh khi đối mặt với nguy cơ
Nguy cơ có thể tôi luyện hay huỷ diệt con người. Những nguy cơ trong công việc và cuộc sống đều là thử thách cho người lãnh đạo.
Thông thường trong cuộc sống có hai loại người, một là những người vừa gặp phải điều không may mắn thì chùn bước, kêu trời kêu đất. Hai là những người tuy cảm thấy đau khổ vì nghịch cảnh nhưng quyết không chịu đầu hàng. Họ biết rõ rằng, nếu không tự kiềm chế bản thân thì sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Người lãnh đạo cần phải làm được như vậy trước cấp dưới của mình.
Nhanh chóng thoát khỏi tâm trạng tiêu cực
Trăng có lúc mờ lúc tỏ, lúc khuyết lúc tròn. Con người có phúc có hoạ. Tâm trạng có lúc vui lúc buồn. Tinh thần lạc quan, sự tự tin sẽ khiến chúng ta tràn đầy sức sống, hăng hái, tích cực và tiến tới thành công.
Sự bi quan, lo lắng, tức giận, lạnh lùng, thất vọng, ân hận sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực. Nó sẽ làm tiêu hao sức lực của chúng ta, kìm hãm khiến chúng ta không tiến lên được.
Nếu muốn thoát khỏi tâm trạng không vui, chúng ta phải dựa vào chính mình. Khi có tâm trạng tiêu cực, chúng ta phải phân tích ngay nguyên nhân hình thành để có biện pháp đối phó kịp thời.
Chúng ta cũng có thể chia sẻ với người khác để cải thiện tâm trạng, làm những hoạt động yêu thích như nghe nhạc, đánh bóng, đi dạo phố… Như vậy chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều và loại bỏ được sự căng thẳng, mệt mỏi của cả một tuần làm việc.
Khống chế cơn giận
Đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo thường gặp phải.
Phương pháp kiềm chế cơn giận có hiệu quả nhất là dự phòng tư tưởng. Tức là phải có nhận thức về con người và sự việc xung quanh một cách rõ ràng, không ảo tưởng và hy vọng. Chỉ khi chúng ta loại bỏ được sự ảo tưởng và hy vọng, cơn giận mới không đến.
Khi ý thức được rằng mình sắp nổi nóng, bạn hãy cố gắng để trì hoãn cơn giận khoảng 15 giây, sau đó hãy nổi trận lôi đình. Lần sau khi bạn cáu giận thì hãy trì hoãn 30 giây. Những lần kéo dài thời gian như vậy sẽ giúp bạn kiềm chế bản thân tốt hơn, dần dần bạn sẽ tránh được những lần nổi nóng không đáng có.
Nhẫn nhịn không phải là nhu nhược, mà ngược lại, nhẫn nhịn thể hiện sự tự tin, kiên nhẫn và một hoài bão to lớn.
Khi Viên Thiệu tấn công quân Tào, Viên Thiệu sai Trần Lâm viết bài hịch mắng Tào Tháo. Trong bài hịch, Trần Lâm không những đã mắng nhiếc Tào Tháo không ngớt lời, mà còn mắng cả cha và tổ tiên Tào Tháo.
Không lâu sau đó, Viên Thiệu thua trận. Trần Lâm rơi vào tay Tào Tháo. Ngỡ rằng Tào Tháo sẽ giết Trần Lâm để hả giận. Nhưng Tào Tháo đã không làm vậy. Ông ngưỡng mộ tài năng của Trần Lâm, không những không giết Trần Lâm, mà còn vứt bỏ hiềm khích cũ để trọng dụng Trần Lâm. Việc đó khiến Trần Lâm vô cùng cảm động, sau này đã có nhiều đề xuất hay cho Tào Tháo.
Chu Du trái ngược hẳn với Tào Tháo. Chu Du là một tướng tài nhưng lại không có lòng khoan dung, ông ta không chấp nhận người nào hơn mình.
Nhiều lần Chu Du muốn hại Gia Cát Lượng nhưng đều không thành. Lần cuối cùng Chu Du dùng kế “mượn Đường diệt Quắc” với ý đồ chiếm đoạt Kinh Châu, nhưng bị Khổng Minh phát hiện. Khổng Minh đã bao vây quân Chu Du và viết thư khuyên Chu Du. Chu Du ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng!” rồi chết. Lỗ Túc là mưu sĩ của Đông Ngô cũng phải nói rằng: “Công Cẩn chết là do lòng dạ quá hẹp hòi”.
Người xưa có câu, cao quý không được kiêu ngạo, giàu có không được hoang phí. Khi địa vị và điều kiện kinh tế thay đổi, có người sẽ tự buông lỏng bản thân mình, kiêu ngạo, tự mãn, hoang phí phô trương. Người lãnh đạo phải tự điều chỉnh mình, phải có cách nhìn đúng đắn với danh lợi và địa vị xã hội. Biết kiểm soát bản thân xuất phát từ việc hiểu về những giá trị mình đang có.
Hiểu về người khác đã khó, hiểu về bản thân còn khó hơn nhiều.
Để có thể hiểu và kiểm soát bản thân mình, chúng ta phải tự kiểm điểm bản thân, phải nghiêm khắc để phân tích ưu và nhược điểm của chính mình. Tự kiểm điểm vừa là cách để hoàn thiện bản thân, lại vừa là một đức tính chỉ có thể có được thông qua tu dưỡng, rèn luyện.
Những người luôn cố gắng nhìn nhận mình là những người luôn suy nghĩ thấu đáo trong công việc và cuộc sống. Sẵn sàng kiểm điểm bản thân là biểu hiện của tính tự giác. Khi làm được như vậy, chúng ta sẽ tiến bộ rất nhanh, vì chúng ta có thể kịp thời tổng kết kinh nghiệm và rút ra bài học cho mình.
Trong cuộc sống có nhiều người không kiềm chế được bản thân, nhất là khi gặp phải việc ngoài ý muốn, họ rất dễ tức giận và muốn giải quyết vấn đề bằng một cơn thịnh nộ. Trên thực tế, động một chút là tức giận không thể giải quyết vấn đề, thậm chí còn làm cho tình hình nghiêm trọng thêm. Đối với một người lãnh đạo từng trải, sự tức giận là biểu hiện của thiếu hiểu biết.
Bạn phải hiểu rằng, khi đối phương đóng góp ý kiến đúng với bạn, thì cho dù họ có ý tốt hay không, bạn cũng nên đón nhận, làm như vậy bạn cũng sẽ không bị thiệt đâu.
Khả năng tự kiềm chế là khả năng khống chế và kiểm soát tình cảm của bản thân mình. Tự kiềm chế bản thân cũng có tác dụng quan trọng đối với việc tăng sức khỏe sinh lý và tâm lý.
Khi bị kích động, hãy nghĩ hoặc làm một việc khác. Đại văn hào Nga Turgenev khuyên mọi người trước khi cãi nhau hãy uốn lưỡi 10 lần trong miệng.
Lâm Tắc Từ (một vị tướng đời Thanh, Trung Quốc) treo chữ “Không nóng giận”. Tô Thức (nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống) lại tự khuyên mình bằng câu: “Nhẫn nhịn chuyện nhỏ để làm việc lớn”. Làm như vậy chúng ta sẽ giữ được tâm hồn thư thái.
Khả năng tự kiềm chế liên quan đến ý chí, là biểu hiện của lòng tự trọng và tự yêu bản thân. Nó có thể giúp chúng ta lựa chọn phương án tối ưu cho hành vi của mình, vượt qua trở ngại để đi theo con đường đúng đắn.
✪ Thành tín
Người lãnh đạo dù quan hệ với ai, trên lĩnh vực gì, quan hệ như thế nào, thì một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là giữ chữ tín.
Trước thực tế khách quan, chúng ta cần dùng thái độ trung thực để phản ánh diện mạo vốn có của sự vật. Phải phản ánh chân thật các tình huống xảy ra, có một nói một, có hai nói hai. Phải ghi chép chính xác lịch sử; phải đánh giá khách quan con người; phải tổng kết trung thực công việc.
Nếu trong kinh doanh, bạn thích giở những trò khôn vặt, không trung thực đối đãi với người khác thì sớm muộn gì cũng sẽ nếm mùi thất bại.
Dùng sự chân thành, thẳng thắn và nhiệt huyết của mình đổi lấy sự tín nhiệm và thấu hiểu của những người xung quanh. Đối với cấp dưới, với khách hàng, với đối tác mà đều làm được như vậy, bạn sẽ dần dần xây dựng được uy tín cho mình. Có ngày bạn sẽ phát hiện ra uy tín mang lại cho bạn một tài sản to lớn.
Người tiêu dùng yêu cầu thái độ thành thật của nhà cung cấp. Là một người lãnh đạo càng cần phải dựa trên nguyên tắc trung thực, tình cảm chân thành và danh tiếng uy tín để giành được sự ủng hộ của khách hàng và nhân viên. Người lãnh đạo cần hiểu rõ, thành tín là một sức mạnh và một tài sản vô hình to lớn.
Trên đời không có quảng cáo nào tốt hơn sự thành thật, giữ danh dự trong lời nói và hành động mới có thể chiếm được lòng tin của người khác.
Nếu bạn là một người thành thật, mọi người sẽ yêu quý và tin tưởng bạn. Cho dù trong hoàn cảnh nào, mọi người đều biết bạn sẽ không che giấu, không thoái thác, cũng không biện minh cho hành động của mình; họ hiểu những điều bạn nói là lời nói thật.
Người lãnh đạo phải có thói quen đối xử chân thành với người khác, dùng con người chân thật của mình để đạt lấy những thành công trong sự nghiệp.
Điểm cơ bản hấp dẫn nhất của một nhân cách hoàn thiện chính là sự chân thành. Đối xử chân thành với người khác, thận trọng giữ tín nghĩa chính là điều kiện tiên quyết cần thiết để lấy được lòng người và thu hút người khác.
Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt luôn được mọi người kính trọng. James Amos, một người giúp việc đã viết một cuốn sách về ông: “Có một lần vợ tôi hỏi tổng thống về một loài chim. Bà chưa từng nhìn thấy loài chim này, vì vậy tổng thống miêu tả nó một lượt rất kỹ. Không lâu sau, chuông điện thoại trong phòng chúng tôi vang lên. Vợ tôi nhấc điện thoại, thì ra chính là tổng thống. Ông nói, ông gọi điện là muốn nói rằng ngoài cửa sổ đang có một con chim, đó chính là con chim mà bà vừa hỏi. Ông thường xuyên làm những việc nhỏ như vậy”.
Uy tín được coi là cái gốc của kinh doanh buôn bán, ở một góc độ nào đó, nó chính là một loại vốn vô hình. Giữ chữ tín, thành thật, không dối trá luôn luôn được xem là nội dung và tiêu chí quan trọng trong đạo đức kinh doanh.
✪ Sức khoẻ
Sức khoẻ của một người bao gồm ba phương diện: cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần khoẻ mạnh và năng lực thích ứng xã hội tốt.
Muốn khoẻ mạnh trước tiên phải làm cho tinh thần khoẻ mạnh. Tinh thần khoẻ mạnh mới có thể giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn và phán đoán chính xác trong cuộc sống, cũng mới có thể làm cho cuộc sống của chúng ta tràn đầy niềm vui.
Hầu hết mọi người thường không coi trọng sức khoẻ của mình bằng những vật phẩm quý. Một số người lại vì tiếc thời gian, quá dốc sức làm việc mà từ bỏ tất cả những hoạt động nghỉ ngơi và giải trí nên có, kết quả là tự huỷ hoại sức sống của bản thân họ.
Đại não là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể con người, cũng là nguồn vốn thành công lớn nhất, vì thế nó cần được bảo vệ để có thể hoạt động tốt nhất.
Đại não mệt mỏi quá độ sẽ phá hoại sự cân bằng hưng phấn và ức chế của vỏ não, gây ra suy giảm chức năng đại não, biểu hiện là tinh thần rối loạn, phản ứng chậm chạp, sức chú ý phân tán, trí nhớ giảm sút…
Biện pháp chủ yếu để phòng tránh đại não mệt mỏi quá độ là nghỉ ngơi đúng lúc, để cho tinh thần căng thẳng được thả lỏng. Phương pháp nghỉ ngơi rất nhiều và đa dạng như nghe nhạc, trồng hoa, thưởng thức nghệ thuật, câu cá, đánh cờ, đọc sách, tập thể dục thể thao, ngủ…
Đối với những người lao động trí óc phải hoạt động tư duy trong thời gian dài, cần phải bổ sung dinh dưỡng thích hợp. Thực phẩm có hàm lượng protein cao như: đậu nành, trứng, sữa, các loại thịt; rau, hoa quả lại là nguồn thực phẩm chủ yếu cung cấp vitamin, canxi, phôtpho, sắt; cá, tôm cũng có hàm lượng cao protein, vitamin, phôtpho.
Cung cấp ôxy không đủ, thiếu hấp thụ ion âm có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy chức năng đại não. Để có được đầy đủ oxy và ion âm, chúng ta phải thường xuyên hoạt động ngoài trời, đến với thiên nhiên, đến những khu vực xanh, công viên…
Làm thế nào để làm chậm quá trình lão hóa của đại não?
Trước tiên phải thường xuyên sử dụng não. “Thường xuyên sử dụng thì tiến hoá, không thường xuyên sử dụng thì thoái hoá”. Đương nhiên phải nắm rõ nguyên tắc sử dụng thích hợp.
Tiếp theo là phải giữ cho tâm trạng luôn lạc quan vui vẻ. Tâm tư lạc quan không chỉ làm tinh thần con người dồi dào, sức lực cường tráng mà còn có thể làm chậm quá trình lão hoá của đại não. Ngoài ra bạn còn phải lao động và nghỉ ngơi hợp lý, sinh hoạt điều độ, cân bằng giữa lao động trí óc và lao động chân tay.
Thông thường, công việc ở văn phòng làm cho con người cảm thấy mệt mỏi, hầu hết là vì họ phải giữ mãi một tư thế trong thời gian dài. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên giữ một tư thế ngồi thì thỉnh thoảng nên đứng dậy đi lại một chút.
Ở đây giới thiệu thêm một hình thức nghỉ ngơi thích hợp với tất cả mọi người.
Trước tiên nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế, tự mình thả lỏng.
Tiếp theo không dùng sức, không nghĩ gì, bắt đầu để ý niệm nghỉ ngơi đi đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Bắt đầu từ chân trái, nghĩ đến đầu ngón chân trước, nghĩ rằng nó đã nghỉ ngơi, để ra hiệu ngầm nghỉ ngơi. Tiếp đó ra hiệu ngầm cho chân, sau đó cho cổ chân, bụng chân, đầu gối, rồi liên tục đến đùi.
Lại chuyển sang nghĩ đến chân phải, tiếp đó phát tín hiệu đến đầu, mặt, cổ để chúng cũng đều nghỉ ngơi.
Người bình thường chỉ cần bắt đầu từ khi 35 tuổi, tăng cường tự mình quản lý sức khoẻ bản thân, hình thành thói quen sống tốt thì có thể kéo dài 7 năm tuổi thọ.
Các nhà khoa học đưa ra lời khuyên nên tăng cường cải thiện từ 10 phương diện sau:
Tính tình rộng lượng, tinh thần lạc quan, đơn giản hoá mâu thuẫn và quan hệ giao tiếp phức tạp.
Ăn uống hợp lý, vừa phải phòng chống thiếu dinh dưỡng vừa phải tránh dư thừa dinh dưỡng, duy trì cân bằng bữa ăn và thực phẩm.
Kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi, kiên trì tập luyện, đặc biệt là người lao động trí óc, người trong giới kinh doanh, càng nên dành thời gian tham gia hoạt động thể thao.
Sinh hoạt điều độ, nề nếp, biết thư giãn, biết tìm vui vẻ trong buồn khổ.
Không hút thuốc, không nghiện rượu.
Gia đình hoà thuận, cuộc sống ổn định, không khí hoà hợp.
Thích giúp đỡ người khác, tự tôn tự trọng, không hồ đồ chuyện lớn, không tính toán chuyện nhỏ.
Dùng thuốc hợp lý, có bệnh sớm trị, không bệnh sớm phòng.
Sinh hoạt tình dục lành mạnh, không buông thả.
Quan hệ giao tiếp tốt không chỉ thúc đẩy công việc hàng ngày phát triển, mà còn là liều thuốc tốt cho tinh thần khoẻ mạnh.
Khi bạn mất đi một thứ gì đó, vì nó mà đau khổ, sinh ra tinh thần lệch lạc, luôn có những đôi tay nhiệt tình đưa ra giúp đỡ, giúp bạn rời bỏ đau thương, hồi phục trạng thái tinh thần cân bằng.
Con người hàng ngày làm việc bận rộn, căng thẳng, lúc này con người cần sự an ủi và động viên của người khác, cần có người đồng cam cộng khổ, giúp đỡ vượt qua khó khăn, có được niềm tin tiến về phía trước. Quan hệ giao tiếp tốt có thể đáp ứng những nhu cầu này của con người, làm cho họ được giải thoát khỏi trạng thái tâm lý căng thẳng, ức chế.
Trong quan hệ giao tiếp, con người tiếp nhận lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, từ trong ánh mắt và thần thái của những người xung quanh mỗi người đều có thể thấy được diện mạo và giá trị của mình.
Đồng thời, cũng thông qua thái độ của người khác đối với bản thân, con người mới có thể làm sâu sắc nhận thức đối với bản thân mình, nâng cao năng lực tự đánh giá, làm cho sự tự đánh giá ngày càng trở nên khách quan và toàn diện.
Đi tản bộ là một phương thức thể dục vận động rất tốt. Đây là một loại vận động điều hoà, có thể thư giãn gân cốt, giúp chân khoẻ mạnh, mà khí huyết ở chân có lưu thông hay không lại có quan hệ đến toàn thân, ngoài ra đi tản bộ còn là một loại vận động thả lỏng tâm hồn. Bước đi thoải mái có nhịp độ, hít thở sâu và điều hoà, làm cho tâm trạng điềm tĩnh, ung dung thư thái.
Có cơ thể khoẻ mạnh, tinh lực hơn người mới có thể lao động trí óc căng thẳng, gánh vác nhiệm vụ nặng nề. Thường ngày chú ý vận động, rèn luyện tốt sức khoẻ, không chỉ có lợi cho việc đạt được thành tích to lớn, mà còn ngăn chặn sự lão hoá của cơ thể, cùng với sự trôi đi của thời gian bạn vẫn sẽ tư duy nhanh nhạy, sức lực dồi dào, tiếp tục có những cống hiến lớn.
THANH XUÂN || Doanh Nhân Sài Gòn