Bạn có phải là người yêu cà phê buổi sáng? Rất nhiều người ấp ủ tình yêu với cà phê cùng khát khao lập nghiệp đã mở cửa hàng cà phê của riêng họ. Trên thực tế, ở Mỹ có hơn 50.000 quán cà phê – chính xác là 52 684. Theo cổng thông tin thống kê Statista, con số đó sẽ tăng thêm khoảng 5.000 trong vòng hai năm tới. Và với 183 triệu người uống cà phê đều đặn hàng ngày, không có gì lạ khi lĩnh vực này đang bùng nổ tại Mĩ.
Nếu bạn đang suy nghĩ về việc mở cửa hàng cà phê của riêng mình, chúng tôi đã biên soạn một danh sách các mẹo-phải-biết đúc kết từ những người chủ quán hiện tại, để từ đó giúp bạn trang bị thêm  thông tin cần để có thể thành công.
✪ LÊN KẾ HOẠCH
1. Lập một kế hoạch kinh doanh vững chắc
Một trong những bước quan trọng đầu tiên cần phải làm khi mở cửa hàng cà phê là lập một bản kế hoạch kinh doanh. Tài liệu này sẽ định nghĩa chính xác doanh nghiệp của bạn là gì, làm thế nào để tạo được lợi nhuận, xác định khách hàng là ai, tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh, lên kế hoạch phát triển và vạch ra các chiến lược để xử lý sự cố, tựu chung là mọi thứ bạn cần để đạt được mục tiêu của mình.
Nhiều người mới khởi nghiệp dựa vào các mẫu kế hoạch kinh doanh để ra chỉ dẫn phù hợp. Cho dù bạn đang bắt tay mở một quán cà phê nhỏ, café internet hay một nhà hàng cà phê, sẽ luôn có một mẫu kế hoạch kinh doanh nào đó phù hợp với nhu cầu của bạn.
2. Hãy dành thời gian để tìm được địa điểm hợp lý
Vị trí địa lý góp phần không nhỏ cho thành công của cửa hàng. Ví dụ bạn muốn một nơi nằm ở trung tâm, nơi tập trung nhiều người qua lại và một không gian phù hợp với tầm nhìn chiến lược bạn đã vạch ra. “Tôi xin đảm bảo bạn không thể tìm ra một nơi đáng mơ ước như vậy trong một đêm”, một chủ quán chắc nịch.
Nhóm của anh đã lùng sục khắp thành phố sau khi thành phố, thám thính từng vị trí, thậm chí đếm cả lưu lượng người đi bộ. Anh muốn mua lại một nhà hàng cũ, để  không phải  dựng lại mọi thứ từ đầu. Sau cùng, một ngày khi đánh rơi chìa khóa của mình, anh nhìn thấy một biển báo nhỏ “Cần bán” đính trên cửa sổ một quán rượu cũ. Sau nhiều tháng tìm kiếm, anh chàng này đã tìm được nơi lý tưởng của mình.
3. Vẽ sơ đồ mặt bằng
Một kế hoạch phân bổ mặt bằng là điều tối quan trọng cho một quán cà phê. Bạn sẽ muốn khách hàng có không gian để đi lại, nhân viên lấy được những đồ dùng họ cần trong tầm với để nhanh chóng làm cà phê, và một khu vực chỗ ngồi thật là thoải mái. Xây dựng một kế hoạch về mặt bằng sẽ tốn kha khá thời gian.
“Hãy nghĩ đến mọi viễn cảnh bạn có thể tưởng tượng ra” một người nói. “Nếu bạn đang làm cà phê, bạn cần những vật dụng gì ở gần? Nếu bạn là khách hàng, bạn muốn ngồi ở một nơi như thế nào? Hãy hình dung tất cả mọi thứ bạn có thể và bắt đầu vạch những ý tưởng ấy trên giấy. “
4. Thuê một nhân viên kế toán
Một trong những lời khuyên quý giá nhất dành cho những người chủ mới là hãy giao việc quản lý sổ sách cho một kế toán viên. Bạn sẽ có thêm nhiều thời gian quý báu hơn khi rảnh tay khỏi công việc này, và bạn cũng sẽ không phạm sai lầm trong việc đặt ra các giả định khi có một nhân viên kế toán.
✪ GỌI VỐN
5. Nhận trợ giúp từ địa phương
Tìm cách mời gọi các quỹ startup bỏ vốn cho cửa hàng cà phê của bạn có thể sẽ rất khó khăn. Trước hết, hãy nói chuyện với bạn bè và gia đình về việc đầu tư vào cửa hàng này. Hãy trình bày một kế hoạch kinh doanh vững chắc và kêu gọi họ đầu tư vào doanh nghiệp của bạn. Nếu gia đình không phải là một lựa chọn tốt, hoặc nếu bạn cần nhiều tiền hơn khoản mà gia đình có thể cung cấp, hãy thử tìm kiếm vào các lựa chọn cho vay tại địa phương xem sao. Tại một số nơi, có những địa phương trợ giúp các chương trình hỗ trợ doanh nhân về mặt chi phí. Ngân hàng địa phương cũng là một lựa chọn không tồi..
6. Tiết kiệm tiền để chi trả chi phí
Ngoài chi phí khởi động, đừng quên rằng tất cả thời gian và năng lượng của bạn sẽ dành trọn cho việc kinh doanh, một công việc mà có thể sẽ không thu được bất kỳ khoản lợi nhuận nào trong khoảng thời gian sáu tháng.
Vì vậy, hãy luôn lập trước kế hoạch. Phải đảm bảo rằng bạn dành đủ tiền để trang trải đủ các chi phí cho ít nhất sáu tháng.
7. Sắm sửa mọi thứ cần thiết
Hầu hết thời gian của bạn bỏ ra sẽ dành cho giai đoạn lập kế hoạch và gọi vốn. Trong khi bạn lên kế hoạch tài chính, hãy  tạo một danh sách hoặc các bảng tính của tất cả những thứ bạn sẽ cần và so sánh giá cả. Hãy cố gắng có được ít nhất hai mức giá đối với từng mặt hàng khi mua để đảm bảo bạn mua được với giá phải chăng nhất. Sử dụng Internet để gia tăng lợi thế của bạn và tìm kiếm giá tốt nhất của mọi thứ từ ghế ngồi tới máy pha cà phê Espresso.
✪ TIẾP THỊ
8. Kết nối với mọi thứ
Tọa lạc ở một vị trí đắc địa hay nắm trong tay một hương vị cà phê cao cấp chưa đủ để bạn tiến xa. Bạn cần một mạng lưới để duy trì sự kết nối với khu vực mình đang kinh doanh và thu hút nhiều khách hàng hơn. Hãy tham gia vào phòng thương mại địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, hoặc một tổ chức từ thiện địa phương.
9. Bắt đầu marketing trước khi bạn mở quán
Nếu bạn bắt đầu chiến dịch marketing vào ngày khai trương thì, bạn quá trễ rồi. Vào ngày mở cửa, bạn sẽ muốn mọi người hào hứng bước vào quán. Để làm điều đó, bạn cần phải bắt đầu marketing vài tháng trước khi bạn khai chương. Một vài lựa chọn marketing vừa túi tiền bao gồm:
+ Phát cà phê miễn phí cho các doanh nghiệp trong khu vực kèm với một tờ rơi quảng bá ngày khai trương.
+ Thiết lập và sử dụng một số kênh truyền thông trên mạng xã hội. Đó là quảng cáo miễn phí.
+ Hãy cho đi mẫu cà phê tại một vài sự kiện địa phương trước khi mở.
+ Hãy thử gửi thư trực tiếp trong đó tặng kèm phiếu giảm giá cho người dân trong vùng.
+ Hãy gọi cho tất cả mọi người, bao gồm cả các phương tiện truyền thông, nói cho họ biết về những kế hoạch khi mở cửa hàng của bạn.
10. Đừng chỉ tập trung vào nội thất
Tất nhiên, bạn sẽ chú trọng tất cả các chi tiết nhỏ của cửa hàng của bạn, từ những bức tranh treo tường cho tới hệ thống POS (*) bạn sẽ sử dụng, nhưng bạn không nên bỏ bê phía bên ngoài cửa hàng.
“Hãy chú ý đến cảnh quan, bảng chỉ dẫn, và trang trí bên ngoài, vì đó là điều đầu tiên mọi người nhìn thấy,” Wilson nói. Một số người quyết định có đi vào hay không dựa trên ấn tượng đầu tiên của họ về tòa nhà, vậy nên hãy tính toán đến điều này nữa.
Thêm nữa, trang trí cửa hàng một cách ấn tượng sẽ khiến mọi người bàn tán về bạn. Mọi người sẽ băn khoăn, ai đang mở quán tại đó vậy? Mọi chi tiết nhỏ bạn thực hiện để thu hút sự chú ý của công chúng đến quán cà phê đều trở thành công cụ marketing.
✪ QUẢN LÝ
11. Thái độ tích cực
Giống như mọi doanh nghiệp, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để gây dựng nên cửa hàng. Giữ một thái độ tích cực khi mọi việc không diễn ra như ý là điều rất cần thiết.  Giả bộ cũng được, nếu thật sự phải làm như vậy. Nếu bạn hình thành được thói quen giữ thái độ lạc quan, dù ban đầu cảm xúc này có vẻ không chân thật lắm, bạn sẽ dần dần luyện được cách luôn luôn suy nghĩ và hành động tích cực.
12. Đừng vội thuê người mới
Bạn cần trợ giúp trong trông coi việc sổ sách, phục vụ khách hàng, và pha chế, nhưng đừng lập tức thuê quá nhiều người ngay từ đầu. Bạn nên thuê một vài người bạn, hay hàng xóm, những người sẽ tình nguyện giúp bạn trong một vài tuần đầu tiên. Dần dần khi đi vào ổn định rồi hãy nghĩ đến việc điều động nhân sự.
Thuê nhân viên đáng tin cậy có thể là một việc khó khăn. Dù người đó thể hiện lúc phỏng vấn xuất sắc thế nào đi chăng nữa, bạn sẽ không biết được anh ấy/ cô ấy có thật sự phù hợp không cho đến khi họ làm việc thật sự. Hãy chú tâm tới những người ứng tuyển và đừng ngại đuổi việc những người gây tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của bạn.
13. Hãy trở nên đòi hỏi
Việc đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng cao về nhân viên, tiến độ và không gian làm việc là một việc làm đúng đắn. Không phải là chi li soi xét từng nhân viên, nhưng bạn nên “có một mức độ OCD (**) nhất định trong người khi kiểm tra cửa hàng trông thế nào, vận hành ra sao”.
Bắt đầu mở một quán cà phê là công việc khó khăn, nhưng đối với nhiều người, việc sở hữu một cửa hàng cà phê tựa như sống trong giấc mơ của họ vậy. Nếu niềm đam mê đã dẫn lối bạn mở cửa hàng riêng của mình, hãy bổ sung thêm vào danh sách lời khuyên này để giúp những người khác cùng thành công nhé.
Theo SAGA.VN
Giải pháp cà phê || Giaiphapcaphe.com
Chú thích:
(*) Hệ thống POS (Point of Sale system) được hiểu là hệ thống máy móc phần cứng và phần mềm trang bị hỗ trợ cho việc thực hiện các giao dịch bán lẻ (ví dụ như máy tính tiền, máy chấp nhận thẻ, v.v)
(**) Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (tiếng Anh: Obsessive-Compulsive Disorder – OCD): Những người mắc chứng này cảm thấy cần kiểm tra mọi việc lặp đi lặp lại, hoặc có những ý nghĩ hay hành vi thực hiện các việc lặp đi lặp lại nhiều lần.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *