Tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hiện đang phát triển khá nhanh một mô hình nhượng quyền (franchise) với vốn đầu tư thấp và dễ làm. Người buôn bán nhỏ và nhất là những người trẻ đã tìm đến như một cách lập nghiệp để có thể thu lợi sớm.
* Có hai dạng cà phê nhượng quyền phổ biến ở Sài Gòn hiện giờ là cà phê rang xay dành cho khách hàng văn phòng và cà phê xay trộn dành cho các bạn trẻ.
* Hai người nhận nhượng quyền cho biết, sau khi ký quỹ 10 triệu đồng với chủ sở hữu thương hiệu để được sử dụng các thiết bị chế biến do công ty này cho mượn, một tháng trừ hết chi phí thì mỗi người kiếm được khoảng chục triệu đồng. Lợi nhuận cho loại hình này khoảng 25-40% trên tổng doanh thu.
* Loại hình này không có dấu hiệu bền vững do tính trung thành của người mua nhượng quyền thương hiệu kiểu này không cao, do mở quán khá dễ nên có thể người mua sẽ làm một thời gian sau đó tự tách ra riêng.
Đối tượng khách mua hàng lẫn mua nhượng quyền của mô hình này còn khá lớn, đặc biệt ở vùng ven thành phố – nơi các thương hiệu nhượng quyền lớn hầu như chưa có mặt.
Nhượng quyền với… 10 triệu đồng
Đầu đường Trần Hưng Đạo, gần phía chợ Bến Thành, ngoài cửa hàng McDonald mới mở và cửa hàng Lotteria nhộn nhịp khách ra vào, một cửa hàng thức ăn nhanh khác tuy không được nhiều người chú ý nhưng lúc nào cũng nhộn nhịp khách. Đó là cửa hàng gà rán trang trí kiểu Tây rộng khoảng 10m2, đặt được bốn bàn, mỗi bàn ngồi được 3-4 khách. Có điều lúc nào cũng có khách ghé vào, phần lớn là người trẻ.
“Quán lúc mới mở có 3-4 người làm. Bữa nay quen việc rồi, chỉ cần hai người đảm nhiệm hết các việc từ chế biến tới phục vụ, tính tiền và dọn dẹp, doanh thu mỗi ngày khoảng 6 triệu đồng, không lớn nhưng được cái tiền đầu tư ban đầu vừa sức” – Nguyễn Thành Đạt, 28 tuổi, chủ cửa hàng gà rán, nói. Quán hoạt động sau khi Đạt ký quỹ 10 triệu đồng với chủ sở hữu thương hiệu để được sử dụng các thiết bị chế biến do công ty này cho mượn.
Còn theo Phạm Tiến Trung (23 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Tài chính hải quan – chủ một cửa hàng cà phê mang đi ở đường Cây Trâm, Q.Gò Vấp, TP.HCM): “Mình còn trẻ nên xác định lấy công làm lãi. Một tháng trừ hết chi phí thì mình và ông anh mỗi người kiếm được khoảng chục triệu đồng, tương đương lương của một nhân viên văn phòng với năm năm kinh nghiệm trở lên”
Nguyên vật liệu đặt mua trực tiếp từ chính công ty này và thanh toán ngay cho từng lượt mua. Cả chủ quán và người làm đều được công ty trên đào tạo cách chế biến và phục vụ thức ăn nhanh… Trừ chi phí thuê mặt bằng 20 triệu đồng/tháng và trả lương cho một người (không kể chủ quán), lợi nhuận hằng tháng đạt 30-40% trên doanh thu.
Trần Công Tuấn, 26 tuổi, cũng là chủ một cửa hàng nhượng quyền khác, với vốn đầu tư cao hơn so với cửa hàng gà rán của Đạt nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các cửa hàng nhượng quyền lớn. Quán ở đường Trần Bình Trọng, Q.5, được anh mua nhượng quyền từ chuỗi cà phê mang đi (take-away) vào loại phổ biến nhất ở TP.HCM. “Nếu tự đầu tư mở một quán cà phê nhỏ tính ra tốn khoảng 50 triệu đồng thôi, nhưng giới trẻ giờ thích cầm ly cà phê lịch sự một chút, có thương hiệu nữa. Vậy nên mình chấp nhận bỏ ra 70 triệu đồng mua nhượng quyền và bước đầu thấy cũng làm ăn được” – Tuấn chia sẻ.
Có hai dạng cà phê nhượng quyền phổ biến ở Sài Gòn hiện giờ là cà phê rang xay (giống cà phê vỉa hè nhưng chất lượng được giới thiệu là cao hơn) dành cho khách hàng văn phòng và cà phê xay trộn (giống cà phê pha trộn kiểu phương Tây) dành cho các bạn trẻ. “Tôi chọn loại thứ hai vì giới trẻ dễ tính hơn và lợi nhuận khá hơn nếu biết cách pha chế khéo” – Tuấn nói và cho biết thêm quán nhỏ chưa đầy 10m2 này được thuê với giá 15 triệu đồng/tháng, mỗi ngày bán được khoảng 150-200 ly với giá dao động từ 25.000-35.000 đồng/ly.
Tuấn tiết lộ nhờ đã biết pha chế tiết kiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng nên lợi nhuận hiện nay khoảng 25-30% trên tổng doanh thu. Với tỉ suất lợi nhuận đó, khoản đầu tư lại không lớn nên chuỗi cà phê dạng này hoặc cửa hàng thức ăn nhanh nói trên ở TP.HCM đang thu hút được các bạn trẻ và những người ít vốn tham gia.
Dễ làm, dễ bỏ
Khác với những người nhận nhượng quyền kể trên, ông Nguyễn Văn Hưng, người đang duy trì quán cà phê kiểu truyền thống ở Gò Vấp, cho biết khi một đơn vị đặt vấn đề nhượng quyền tại mặt bằng sẵn có này, ông đã từ chối. “Người Việt có nhiều điểm khác so với người phương Tây. Người Việt đi cà phê là để thư giãn hoặc ngồi chuyện trò hơn là uống như một thứ nước uống” – ông lý giải.
Một vấn đề các chủ quán có kinh nghiệm e ngại là việc các chủ sở hữu thương hiệu dạng bình dân này khó quản lý nổi chất lượng giữa các chi nhánh nên không đảm bảo sự trung thành của khách hàng với thương hiệu. Trong khi đó, thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất khi nói về nhượng quyền.
Do vậy, theo chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, ở mô hình này sự tồn tại không quá phụ thuộc vào chiến lược dài hạn của hai bên mà đơn giản là gắn liền với lợi ích ngắn hạn của chủ cửa hàng. “Khi nào cửa hàng còn lợi nhuận sẽ còn hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. Dù có theo mô hình nhượng quyền hay không, nếu hàng hóa dịch vụ cung cấp ra còn đáp ứng được nhu cầu thị trường và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thì vẫn còn tồn tại. Trà chanh chém gió, bún đậu mắm tôm sớm nở chóng tàn vì không đáp ứng được hai điều kiện đó” – ông nói.
Chuyên gia Robert Trần, giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny của Canada khu vực châu Á, cũng cho rằng mô hình này rủi ro thấp song chỉ thích hợp với người kinh doanh nhỏ. “Nếu tính phần trăm lợi nhuận thì loại hình này nghe có vẻ tốt hơn, song tính ra giá trị thì không phải lớn” – ông nói.
Hơn nữa, loại hình này theo ông không có dấu hiệu bền vững do tính trung thành của người mua nhượng quyền kiểu này không cao, do mở quán khá dễ nên có thể người mua sẽ làm một thời gian sau đó tự tách ra riêng. “Nếu muốn bền vững, người bán nhượng quyền phải tăng thêm lợi ích cho người mua, tăng cường marketing cho cả chuỗi, để người mua thấy họ phải dựa vào chuỗi lâu dài” – ông Trần cho biết thêm.
Theo Nhượng quyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *